Tôi học đại học (tiếp)

Đọc bài trước ở đây.

math-humor
Ảnh chỉnh sửa từ đây

Tôi học kinh tế/chính trị/xã hội

Phần này thực sự khó viết, và cuối cùng thì mình cũng không biết viết gì cả. Nhưng phần này vẫn phải có vì đây là lĩnh vực chiếm rất nhiều thời gian của mình trong quá trình học đại học, và nó hình thành nên con người mình ngày hôm nay. Mình chỉ viết ngắn gọn thế này thôi.

Khi bắt đầu năm thứ nhất, mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại quan tâm đến các vấn đề kinh tế/chính trị/xã hội, cho đến khi mình thực sự được tiếp xúc với các vấn đề đó (trớ trêu thay) thông qua lớp tiếng anh thấy Nghiêm. Tìm hiểu mảng này dạy cho mình tiếp cận nhiều vấn đề không rõ ràng theo một cách đa chiều, học cách im lặng khi chưa hiểu thấu, quan sát và suy ngẫm. Trước khi thực sự tin rằng một chính kiến là đúng hoặc tốt hơn, luôn tìm cách bảo vệ cho các chính kiến đi ngược lại trước, và tự suy ngẫm tại sao các lý lẽ dùng để bảo vệ đó lại chưa hợp lí, chưa khoa học. Và mình học được rất nhiều từ phương pháp này. Những điều mình viết vừa rồi có vẽ hơi sáo rỗng (cliché), nhưng có lẽ đó là tất cả mình có thể nói tại thời điểm này.

Tôi học chuyên ngành

Mình tiếp xúc với máy tính khá muộn so với các bạn hiện này. Lần đầu tiên là khoảng cuối năm lớp 12 mới được bạn bè dạy đi chơi half-life. Hồi đó mình vẫn chưa biết khái niệm Internet là gì, và đương nhiên cũng không thể biết đến tiềm năng của Internet. Khi vào đại học, mình mới thực sự sử dụng máy tính như một công cụ để học. Cảm giác ban đầu của mình là sự ngạc nhiên, khi mà các nguồn tài liệu học tập có thể tìm thấy chỉ trong vài giây thông qua kết nối mạng. Có lẽ cấp 3 chưa bao giờ mình hình dung được có một công cụ cho phép con người ta làm như vậy. Một phần không nhỏ thời gian cấp 3 mình chật vật đi tìm mượn và mua sách tham khảo (với một khoản tiền vô cùng giới hạn), như là một nguồn tài liệu học tập chính. (Chính vì không biết đến sự kì diệu của Internet mà mình chọn chuyên ngành CNTT như là một "tai nạn": bài trước mình có nói đến.) Lần đầu tiên biết đến Google, mình thấy nó như là một ảo thuật: hỏi gì nó cũng cung cấp được thông tin liên quan thông qua chỉ trong vòng vài giây. (Điều này bây giờ chắc là hiển nhiên kể cả với các bạn học sinh cấp 1, và có lẽ nhiều bạn không còn chú ý đến sự kì diệu đó nữa.) Đoạn này mình mô tả hơi bay bổng, vì mình thấy hơi khó để diễn tả được chính xác được.

Môn đầu tiên mình được học là tin học đại cương. Lớp đó có hai giảng viên cùng dạy, một thầy dạy lý thuyết và một cô dạy thực hành. Nhìn lại mấy năm học đại học, đây là môn mình học được nhiều kiến thức nhất. Mỗi tuần, theo mình nhớ, là 2 buổi thực hành trên máy. Ngoài ra, sau mỗi buổi học thực hành, cô đều cho bài tập về nhà. Bài tập về nhà, đối với mình hồi đó, rất khó và nhiều. Sau khi làm xong bài tập về nhà, nộp lời giải cho lớp trưởng qua email, lớp trưởng sẽ tổng hợp rồi nộp lại cho giáo viên thực hành. Cô giáo sau đó sẽ chấm điểm, và mỗi sinh viên sẽ được xem điểm của mình trong giờ thực hành sau đó. Cuối kì thi có 2 vòng, một vòng thi lý thuyết và một vòng thi thực hành trên máy tính. Điểm cuối cùng là điểm tổng kết của lý thuyết + thực hành. Điểm bài tập về nhà chiếm một phần trăm không nhỏ trong điểm tổng hợp cuối cùng. (Sau này khi học và làm trợ giảng ở Mỹ, mình nhận thấy về cơ bản tất cả các khóa học của họ ít nhiều cũng giống mô hình như vậy.)

Mình đánh giá môn tin học đại cương là môn mình học được nhiều nhất, không phải chỉ vì nó là môn tin học đầu tiên, mà là vì mô hình dạy của môn đó. Rất tiếc sau này không có bất kì môn học nào khác, mình nhấn mạnh lại là hoàn toàn không có môn nào khác, mình được học theo mô hình đó cả. Hiện nay tình trạng này còn hay không? Mình không rõ. Theo những gì cá nhân tìm hiểu, không nhiều trường/khoa CNTT thực sự áp dụng mô hình dạy và học kiểu này. Tại sao? Đây là câu hỏi mở dành cho các bạn tự tìm hiểu. Ở đây mình không có ý bàn sâu hơn về vấn đề này: nó đã được nhiều chuyên gia nói đi nói lại rồi.

Nhân đây, cũng xin nói, nếu bạn đang được học theo mô hình như vậy thì bạn cần phải biết đó là một sự may mắn, so với tình trạng học đại học chung hiện này. Các thầy\cô đang dạy bạn phải tự bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết thì mới có thể làm theo được mô hình như vậy. Chấm điểm rất nhiều bài tập về nhà, theo trải nghiệm của mình, có lẽ là công việc nhàm chán nhất trong giảng dạy, nhưng lại vô cùng quan trọng để các bạn sinh viên biết lỗ hổng kiến thức của mình mà tự cố gắng lấp đầy.

Nói chung, mình thích hầu hết tất cả các môn học chuyên ngành. (Mình không nhớ rõ bao nhiêu môn, nhưng tổng số thì chắc cũng nhiều.) Trong mỗi môn học, mình luôn có gắng tìm và học điểm khác biệt, mới lạ, theo nghĩa, các vấn đề mà môn học đó giải quyết sẽ trở nên rất khó nếu chỉ biết được kiến thức từ các môn khác. Cũng chính vì thế mà mình thích các môn học mang thiên hướng toán hơn như cấu trúc dữ liệu giải thuật, toán rời rạc, toán chuyên đề, an toàn và bảo mật thông tin, cơ sở dữ liệu, điện tử số. Không khó để nhận biến những điểm hay và mới lạ trong mỗi môn này so với các môn khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều môn, để có thể hiểu các kiến thức trong đó, có lẽ cần kinh nghiệm thực tế để so sánh và kiểm chứng. Hồi đó bọn mình hay nói các môn đó "chém gió là chính". Ít người trong số bọn mình thích các môn như vậy, và mình cũng nằm ngoài số ít đó.

Chuyện vui bên lề: một số giảng viên, trong đó có những người dạy những môn quan trọng của chuyên ngành, hay nói là lớp mình là kĩ sư tài năng, không cần phải được dạy, mà có thể tự học đọc. Và họ thực sự không dạy gì cả, cả kì học lên lớp 2-3 buổi gì đó. Đôi khi bọn mình hay nói vui với nhau, không biết học KSTN để làm méo gì, lớp ngoài còn được học nhiều hơn. Tất nhiên, mình không có ý phủ nhận những ưu đãi mà các lớp KSTN được hưởng, trong số đó có những giảng viên đã thực sự tâm huyết tạo ra những ưu đãi như vậy. Đặc biệt thầy dạy môn triết học Mác - Lênin dã dành ưu đãi rất lớn cho lớp mình.

Thi Olympic tin học Một số bạn trước có hỏi mình về việc nên khay không nên ôn luyện thi kiểu olympic tin học. Nhân đây mình cũng nói lên quan điểm cá nhân. Câu trả lời của mình, có lẽ không mang nhiều thông tin lắm, là tùy vào bạn thích hay không.

Mình chưa bao giờ từng thi/thử thi Olympic tin học cả. Hồi học đại học mình cũng thử làm bài kiểu Olympic vài lần (trên spoj), và mình nhận thấy mình không phù hợp và không thích. Có lẽ hồi đó cách mình tiếp cận với các bài kiểu Olympic không được khoa học lắm. Mình chọn ra một số bài làm thử. Mình nhận thấy hoặc là mình làm được ngay, hoặc là mình hoàn toàn không có ý tưởng để làm. Có lẽ vì kiến thức cấu trúc dữ liệu và giải thuật hồi đó của mình không được kết nối chặt chẽ với nhau lắm. Đối với những bài mình không làm được, mình cũng có đi tìm lời giải, đọc và hiểu. Nhưng khi nhìn lại sau một thời gian, kiến thức mình thu được qua từng bài có vẻ chắp vá, không hệ thống. Thời gian của mình có hạn. (mình rất kém trong quản lí thời gian sao cho hiệu quả.) Cuối cùng, mình thấy rằng học bằng cách làm bài thi Olympic tin học không phù hợp với mình. Thay vào đó, mình tập trung nhiều thời gian hơn trong việc học các môn trên lớp như toán rời rạc, toán chuyên đề.

Nói chung, mình ngưỡng mộ các bạn đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic, một thứ mà có lẽ mình không bao giờ làm được. Trong lớp mình hồi đó có Võ Khánh Trung, problem setter của spoj. Sau này mình còn có dịp làm thực tập cùng Sergey Kulik, một sport programmer rất thành công. (Mình nhớ Sergey Kulik hồi đó có nói vui rằng, các công ty lớn bây giờ thận trọng hơn trong việc tuyển dụng các sport programmer vì họ nhận thấy hiệu quả công việc có hệ số tương quan âm -- negative correlation -- với thành tích sport programming, mình thì chưa có cơ hội kiểm chứng điều này, nên không biết đúng hay không, có lẽ anh này chỉ nói vui thôi.) Tất cả đều là những người tuyệt vời: họ thích một thứ và họ làm thứ họ thích tốt hơn nhiều người khác. Bản thân mình cũng tự biết rằng, các kì thi đó không phải mục tiêu mà mình hướng đến. Quan trọng hơn, mình dành nhiều thời gian hơn cho những thứ mình cảm thấy thích hơn. Và một phần không nhỏ trong quỹ thời gian của mình dành cho học tiếng anh và tìm hiểu các vấn đề kinh tế/chính trị/xã hội.

(Còn tiếp, tạm thời mình dừng ở đây vì bài đã dài. Bài sau sẽ nói nhiều hơn về thực tập doanh nghiệp trong thời gian học đại học, được gì, mất gì.)

Facebook Comments

Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *