Xin việc giáo sư ở Mỹ (bài 1)


Nguồn: PhD Comics

Mình vừa trải qua một giai đoạn khá dài xin việc làm giáo sư ở Mỹ (từ đây sẽ gọi tắt là AP -- Assistant Professor). Có ba lý do chính mình viết loạt bài này: (1) lưu giữ lại những chi tiết mà hiện tại mình còn nhớ được, có thể ít nữa sẽ mai một đi, (2) không nhiều người bỏ thời gian ra viết lại quá trình "mệt mỏi" này, cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, và (3) ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam học PhD ngành CS (ngành của mình), và mình tin rằng nhiều bạn cũng muốn biết xin việc AP ở Mỹ nó như thế nào để có sự chuẩn bị hoặc ra quyết định cho bản thân. Hi vọng loạt bài này ít nhiều sẽ giúp được cho bạn, và nếu bạn cảm thấy bài này có ích hoặc muốn góp ý, xin để lại phần comment.

Trước hết mình xin đưa ra hồ sơ khoa học của mình tại thời điểm mình xin việc, đặc thù của ngành hẹp của mình (nhánh lý thuyết của ngành CS), sau đó là quá trình chuẩn bị cũng như phỏng vấn.

Lý lịch khoa học

Disclaimer: Trong phần này mình cố gắng cung cấp một cái nhìn khách quan về vấn đề nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gìmình đáp ứng được những điều gì. Mình không có ý: (a) đánh giá thế nào là một hồ sơ tốt/ không tốt, (b) hội nghị/tạp chí nào là danh tiếng hay không danh tiếng (bạn hiểu ngành bạn tốt hơn những người khác), và (c) một số điều mình đưa ra hoàn toàn không thể kiểm chứng được, chủ yếu dựa vào "cảm nhận chủ quan" thông qua các cuộc nói chuyện về người khác trong ngành. Bản thân mình thấy rất không thoải mái khi đưa ra các nhận định không kiểm chứng được, nhưng nếu không đưa ra thì cả bài viết sẽ không có cơ sở lập luận. Lời khuyên của mình là bạn nên thận trọng tự kiểm chứng lại những thông tin trong bài.

Ngành học: Mình nghiên cứu lý thuyết trong khoa học máy tính (theoretical computer science, gọi tắt là TCS), cụ thể hơn là lý thuyết đồ thị (graph theory) và tối ưu tổ hợp (combinatorial optimization). Cũng giống như nhiều nhánh khác của CS, TCS đánh giá cao conference publications (bài báo hội nghị) hơn là journal publications (các bài báo tạp chí). Về hội nghị thì có 3 hội nghị lớn bao gồm FOCS/STOC (cùng đứng số 1), và SODA (đứng số 2), journal danh tiếng gồm có JACM (đứng số 1), SICOMP và ACM TALG. Thông thường đánh giá một hồ sơ TCS cho vị trí AP, người trong ngành chủ yếu nhìn vào số lượng papers ở FOCS/STOC/SODA hoặc JACM, và các best paper awards (nếu có). Các ứng viên mạnh thường có ít nhất 1 bài ở FOCS/STOC hoặc JACM; một số trường có "unwritten rule" là nếu không có ít nhất 1 bài ở đó thì họ sẽ không xét. Mình viết điều này để bạn đọc có thể hình dung ra hội đồng tuyển dụng cần gì và hồ sơ của mình có những điểm gì mà họ tìm kiếm. (Tương tự, bạn cũng nên biết cách những người trong ngành của bạn đánh giá một hồ sơ thế nào là mạnh/yếu.)

Publications: Tại thời điểm xin việc mình có:

  • 7 conference publications trong số đó 2 bài đăng ở FOCS, 2 bài ở SODA và còn lại ở các hội nghị nhỏ khác. Một trong hai bài ở FOCS được chọn là một trong 6 plenary talks (các best papers trong tổng số 90 accepted papers), 1 bài SODA là single-authored paper. Đây là hai điểm sáng trong hồ sơ của mình (sẽ nói dưới thêm dưới đây về single-authored papers).
  • 4 bài journals, trong đó 1 bài là do editors invite bọn mình nộp vào SICOMP và một bài được invite vào một journal khác ít danh tiếng hơn. Quy trình thông thường là bạn nộp bài và journal sẽ tiến hành review và sau đó ra quyết định nhận hay từ chối. Các bài invite trong ngành TCS thì hơi khác, các editors sẽ chọn ra các bài tốt nhất từ một hội nghị nào đó và "mời" các tác giả nộp vào journal đó để tăng danh tiếng của journal. Theo một nghĩa nào đó, các bài báo được invite vào các journal cũng coi như một điểm sáng.
  • 2 manuscripts. Mình không có ý định nộp các manuscripts này vào hội nghị nào cả, và không được tính là peer-reviewed.
  • 3 conference papers đang trong quá trình viết bài để nộp. Số này cũng không được tính, nhưng liệt kê vào CV để hội đồng biết mình vẫn đang "hiệu quả" trong publication.

Theo bản thân mình đánh giá thì về số lượng công bố, mình không có nhiều. Một số ứng viên khác phỏng vấn cùng trường với mình thường có nhiều hơn hẳn, có thể gấp đôi/ba, số lượng công bố của mình.

Truyền thống của ngành TCS là tên các tác giả trong một bài báo đều được liệt kê theo thứ tự ABC (kế thừa từ ngành toán), và như vậy không có khái niệm first authors như các nhánh khác ở CS. Điều này có ảnh hưởng lớn đến cách đánh giá của ngành: (a) các paper có càng nhiều authors thì trọng số càng giảm đi, vì "credits" bị chia đều cho các authors (xem thêm dưới đây), và (b) có single-authored papers là một lợi thế. Mình có hai bài single-authored papers, một bài ở SODA và 1 bài journal (Q2 theo Scimagojr).

Ghi chú: Nếu papers của bạn có nhiều authors và trong đó bạn đóng góp chính thì một chiến lược tốt là nhờ một trong các đồng tác giả viết thư giới thiệu cho bạn. Thường người viết thư giới thiệu sẽ giải thích chi tiết đóng góp của bạn, và do đó việc có nhiều authors trong cùng một paper sẽ không có ảnh hưởng gì.

Training: Mình tốt nghiệp PHD tháng 6 năm 2018 từ Oregon State University, rank trên USNews ngành CS của trường mình khoảng 70. Nhóm nghiên cứu lý thuyết ở OSU thì chỉ có 3 người, trong đó advisor của mình và một người nữa làm gần hướng của mình, còn người kia làm Cryptography, một hướng hoàn toàn khác. Tóm gọn lại, nhóm nghiên cứu lý thuyết ở OSU khá nhỏ và không có danh tiếng trong việc đào tạo ra các AP. Sau tốt nghiệp mình làm toàn thời gian cho Microsoft khoảng 4 tháng, sau đó mình làm postdoc ở University of Victoria (UVic), Canada. UVic cũng là một trưởng nhỏ ở Canada và không có danh tiếng lớn. Bù lại, postdoc host của mình là một cây cổ thụ trong ngành (điều này mang lại lợi thế cực kì lớn cho mình mà mình sẽ nói sau). Ngoài ra vị trí postdoc của mình là một nửa được support bởi PIMS, một viện nghiên cứu toán khá nổi tiếng của Canada, và các PIMS postdoc nói chung khá thành công trong việc xin AP. Tại thời điểm mình bắt đầu nộp hồ sơ, mình đã hoàn thành xong năm đầu tiên của postdoc (vị trí của mình hợp đồng 2 năm.).

Teaching: Ngay khi bắt đầu đặt chân tới Uvic là mình nhận dạy một lớp Data Mining với khoảng 80 sinh viên đại học và sau đại học. Đây cũng là một điểm cộng trong xin việc sau này.

Miscellaneous: Việc mình viết blog này về thuật toán cũng như trang facebook được hơn 16k like (tại thời điểm xin việc) cũng chiếm được cảm tình của một số hội đồng tuyển dụng. Xin chia sẽ chi tiết sau.

Chuẩn bị hồ sơ

Bộ hồ sơ xin việc gồm:

  • Cover Letter (CL): Bao gồm thông tin vị trí bạn đang nộp hồ sơ, tại sao bạn lại phù hợp với vị trí đó, và bạn biết gì về khoa của họ. Cover letter thường dài từ 1-2 trang.
  • CV: Tất cả những gì liên quan tới academic thể hiện điểm mạnh trong bộ hồ sơ của bạn.
  • Research Statement (RS): Thông thường dài khoảng từ 3-4 trang (không tính phần reference). Mình dành khoảng 3 trang nói về những thứ mình đã làm được và 3/4 trang nói về những thứ mình vẽ ra trong tương lai. Mục tiêu của 3 trang đầu là làm cho 3/4 trang cuối cùng có tính thuyết phục cao. Hai câu hỏi trọng tâm khi mình viết research statement: (1) tại sao hướng trong tương lai lại là hướng nghiên cứu có ý nghĩa lớn và (2) tại sao mình là người phù hợp nhất để dẫn dắt hướng nghiên cứu tương lai đó, thông qua liên hệ với thành tích trong quá khứ.
  • Teaching Statement (TS): Thông thường từ 1-2 trang. Bài của mình dài 1 trang + 1 đoạn. Chú yếu mình viết về triết lý giảng dạy của bản thân mình và liên hệ với kinh nghiệm quá khứ để minh hoạ cho triết lý đó. Kinh nghiệm dạy một lớp năm trước giúp mình viết bài luận này dễ dàng hơn.
  • Diversity Statement (DS): Bài luận này một số không nhỏ các trường yêu cầu, đặc biệt các trường ở Cali, và càng ngành càng nhiều trường đòi hỏi bài luận này. Độ dài thông thường là 1 trang. Rất khó có thể nói như thế nào là một bài luận hay, vì nó là một yêu cầu khá mới mẻ. Chiến lược an toán có lẽ là không cần phải viết hay, nhưng đừng viết dở hoặc quá ngắn vì hội đồng có thể cho đó là dấu hiệu bạn không quan tâm đến vị trí / yêu cầu của trường, hoặc tệ hơn là không quan tâm đến cộng đồng. Đối với mình, bài luận này là cơ hội để mình đưa ra một vài mặt khác về bản thân mà mình không có cơ hội thể hiện trong các tài liệu khác của bộ hồ sơ.
  • Personal Statement: Có một trường duy nhất trong số gần 60 trường mình nộp yêu cầu bài luận này. Trường này khi mình điền hồ sơ online mới thấy họ yêu cầu, và mình bỏ dở không nộp nữa. Sau đó một tháng có người trong hội đồng tuyển sinh chủ động liên hệ với mình và khuyến khích mình hoàn thành nốt. Cuối cùng thì mình cũng viết được một bài trong 2 ngày, và nộp cho đủ bộ hồ sơ. Mình đưa ra đây để cho bạn biết là có thể có ngoại lệ trong quá trình nộp hồ sơ, nên bạn nộp trước deadline càng sớm càng tốt.

Sau này trong quá trình phỏng vấn on-campus thì còn phải chuẩn bị research talk, mà mình sẽ nói chi tiết sau.

Các mốc thời gian

Quá trình xin việc thông thường gồm có 5 bước:

(1) Chuẩn bị hồ sơ; (2) nộp hồ sơ; (3) phỏng vấn qua skype; (4) phỏng vấn on-campus; và (5) nhận offer, đàm phán các điều khoản và chọn trường.

Ghi chú: có nhiều trường không có bước (3), là bước phỏng vấn skype.

Về mốc thời gian, mình chuẩn bị hồ sơ bắt đầu từ đầu tháng 9, bao gồm 3 bài luận (RS/TS/DS) và một bài research talk. Các trường thường bắt đầu nhận hồ sơ từ đầu tháng 11 cho đến tận tháng 3. Hồ sơ đầu tiên mình nộp là 20/10, sau khi chuẩn bị được gần 2 tháng, vào một trường top 30 ngành CS theo USNews (sau này mình có được offer từ trường này nhưng không nhận.) Mình nộp tất cả 56 trường, trong đó 1 trường ở Úc , 3 trường ở Canada và còn lại ở US. Trường ở Úc phỏng vấn Skype đầu tiên vào ngày 10 tháng 12. Mình phỏng vấn Skype rải rác sau đó đến tận tháng 2. Trường mình phỏng vấn cuối cùng là một trường ở Cali (top 40 US news) ngày 17/02. Phỏng vấn on-campus đầu tiên của mình là ngày 14/02 (đúng ngày valentine), trường này cũng là trường mình nộp hồ sơ đầu tiên. (Họ muốn phỏng vấn mình từ 15/01 nhưng mình hoãn đến 14/02 vì nhiều lý do.) Phỏng vấn "on-campus" cuối cùng là 25/03 (mình huỷ bỏ các cuộc phỏng vấn sau ngày này vì mình đã quyết định nhận offer.) Mình nhận offer đầu tiên ngày 12/03 từ một trường R2 (unranked), và offer cuối cùng là từ Umass Amherst (rank 20 US News) ngày 27/03. Quyết định cuối cùng là của mình là Umass Amherst và mình thông báo với các trường đã đặt lịch phỏng vấn hoặc đang trong quá trình quyết định offer cho mình là mình đã tìm được trường mình muốn làm việc và huỷ bỏ các cuộc phỏng vấn sau đó.

Bài sau mình sẽ nói chi tiết hơn về quá trình chuẩn bị từng bước.

Acknowledgement: Cám ơn anh Kevin Pham và Ni Trieu đã góp ý một số chi tiết trong bài viết này, cụ thể là luận điểm về chất lượng và làm thế nào khi có >=4 co-authors.

Facebook Comments
  1. Tung Vu’s avatar

    Hi anh em là sinh viên năm cuối đại học FPT, em rất hứng thú với đồ thị, em có thể apply học tiến sĩ do anh hướng dẫn được không?

    Reply

Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *