Xin việc giáo sư ở Mỹ (bài 3)


Nguồn: http://ecoevoevoeco.blogspot.com

Trong bài này mình nói kĩ hơn về quá trình phỏng vấn Skype.

Phỏng vấn skype

Phỏng vấn skype thường kéo dài khoảng 25 đến 30 phút, và càng ngày thì có càng nhiều trường thực hiện cuộc phỏng vấn kiểu này vì chi phí thấp. Mục tiêu chính của cuộc phỏng vấn skype là để tìm hiểu sâu hơn về ứng viên, và chọn ra một tập khoảng 3-4 ứng viên cho mỗi vị trí cho vòng tiếp theo.

Theo cảm nhận riêng của mình, phỏng vấn skype rất khó để gây ấn tượng, chủ yếu là do yếu tố hạn chế thời gian dẫn đến tâm lý không thoải mái. Ngoài ra, trong phỏng vấn skype, mình thấy rất khó đọc được "body language" của người phỏng vấn để dẫn dắt cuộc phỏng vấn cho phù hợp. Theo mình, chuẩn bị thật kĩ để không gây ấn tượng xấu đã là một thành công rồi, vì nhiều khi bạn đã là một trong số ứng viên tốt nhất trong vòng loại hồ sơ rồi.

Khuôn khổ của một phỏng vấn skype thường bắt đầu bằng 3-5 phút để hội đồng giớ thiệu về trường và khoa, sau đó là 3-5 phút giới thiệu bản thân, tiếp đến là khoảng 15 phút hỏi đáp và cuối cùng là 5 phút để cho ứng viên đặt câu hỏi choh hội đồng tuyển dụng.

Giới thiệu bản thân: Giớ thiệu bản thân nghe thì dễ nhưng thật ra là không dễ. Trong vòng 3-5 phút phải giới thiệu ngắn gọn được quá trình công tác và một chút về các hướng nghiên cứu hiện tại. Thường hội đồng chỉ lắng nghe trong khoảng thời gian này, và sau khoảng 3-5 phút thì họ sẽ đặt câu hỏi tiếp theo. Cũng có trường hợp hội đồng không có phản ứng gì sau 3-5 phút thì mình sẽ chủ động hỏi hội đồng có muốn đi sâu vào về nghiên cứu của mình không.

Hỏi đáp: Không có một quy chuẩn chung phần hỏi đáp sẽ gồm những gì và như thế nào. Có hội đồng hỏi nhiều về research, có hội đồng hỏi nhiều về teaching, có hội đồng cho trước câu hỏi để chuẩn bị và khi hỏi họ chỉ đọc từ các câu hỏi đó để hỏi. Một số câu hỏi mà mình hay gặp trong các cuộc phỏng vấn:

  • Why are you interested in our department/university? Câu hỏi này không khó, chỉ cần bỏ thời gian ra tìm hiểu về khoa/ trường của họ trước khi phỏng vấn. Thường mình sẽ tìm hiểu xem khoa có những ai, và mình có thể cộng tác với ai trong khoa và chủ đề cộng tác là gì. Khoa đó có gì nổi bật mà họ tự hào. Vị trí địa lý của trường đó ra sao. Sinh viên trong khoa như thế nào. Mình có thể đóng góp vào teaching trong khoa thế nào.
  • Can you briefly describe your research? Mình đã chuẩn bị câu hỏi này để chỉ nói trong 1-2 phút, bắt đầu từ mức cao nhất, sau đó dần dần đi vào chi tiết. Mỗi lần muốn đi sâu hơn vào chi tiết mình đều hỏi hội đồng xem họ có muốn tiếp tục nghe không. Đừng nói tràng giang đại hải mà không để ý đến phản ứng của họ.
  • Describe your most significant result(s)? Trong số các kết quả nghiên cứu, mình sẽ chọn mô tả kết quả nghiên cứu trong bài ở FOCS'19. Kết quả trong bài này giải quyết một số bài toán mở từ năm 1998. Bài này cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới với những kết quả bất ngờ. Thường sau câu hỏi này người ta còn có thể hỏi thêm một số những chi tiết liên quan dựa vào câu trả lời của mình. Đây cũng là cơ hội để mình dẫn dắt hội đồng đi sâu hơn về mặt kĩ thuật.
  • What is your research plan in 5-10 or 20 years? Đây là một câu hỏi rất khó. Mình thực sự không có câu trả lời tốt cho câu hỏi này. Kế hoạch 5 năm không khó để trả lời; mình nêu ra các hướng nghiên cứu 3-5 năm tới có liên quan trực tiếp đến những gì mình đã và đang làm. Kết hoạch cho 10-20 cần phải lớn hơn, bao quát hơn và có sức ảnh hưởng lớn.
  • Do you have any plan to apply for research funding? Để trả lời câu hỏi này, mình đã tìm hiểu khá kĩ các nguồn funding mà người trong ngành hay tìm kiếm. Mình có nói đến một số nguồn funding từ chính phủ và một số nguồn funding có thể từ các công ty.
  • What is your advising philosophy? Being independet luôn là philosophy của mình. Mình thường tìm một số ví dụ minh hoạ cũng như lộ trình mà mình nghĩ là phù hợp nhất khi advise sinh viên Ph.D.
  • How can you contribute to the collaboration inside and outside our department? Để trả lời câu hỏi này, thường mình sẽ vào các khoa liên quan để tìm người làm hướng có liên quan tới những vấn đề mình đang làm. Mình chủ yếu tìm hiểu thêm về khoa toán, EE hoặc biology.

Ngoài ra có thể có rất nhiều câu hỏi khác mà mình không hề chuẩn bị trước. Một số trường hỏi thêm về teaching philosophy, một số trường hỏi thêm về những đóng góp của bản thân về diversity, một số thì đưa ra tình huống giả định và hỏi mình sẽ làm gì nếu như bản thân ở trong tình huống đó, vân vân và vân vân.

Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: Phần này rất quan trọng vì nó thể hiện được người đi xin việc có thực sự quan tâm đến công việc đang ứng tuyển hay không. Một câu hỏi lý tưởng thường là một câu hỏi liên quan trực tiếp đến vị trí đang tuyển, hoặc câu hỏi về khoa hoặc về trường mà không dễ tìm thấy online. Ví dụ, hỏi về collaboration trong khoa và giữa khoa đó và các khoa khác, hỏi về teaching, hỏi về các loại support từ khoa/trường mà new faculty có thể apply, vân vân. Tránh các câu hỏi không phù hợp và có thể "làm khó" người ta. Ví dụ khi phỏng vấn một trường teaching, ít khuyến khích nghiên cứu và các giáo sư trong khoa cũng không active nhiều trong nghiên cứu, thì nên tránh câu hỏi liên quan đến support cho các hoạt động nghiên cứu. Chú ý, nhiều trường teaching nhưng cũng rất tích cực trong hoạt động nghiên cứu thì bạn vẫn nên hỏi những câu hỏi về research. Như thế để thấy, để đặt được câu hỏi hay và đúng trọng tâm, ta nên nghiên cứu kĩ trường/khoa trước khi phỏng vấn.

Một số nguồn (như cuốn Professor is In chẳng hạn) khuyến khích đặt các câu hỏi liên quan đến tenure, ví dụ như các tiêu chuẩn tenure hay quá trình xét duyệt tenure chẳng hạn. Các câu hỏi như vậy thể hiện bạn đã sẵn sàng "play the tenure game". Một số nguồn khác cho rằng không nên hỏi như vậy, vì nó có thể tạo cho hội đồng ấn tượng là bạn quá tự tin. Mỗi bên đều có điểm đúng sai. Kinh nghiệm của mình thì thấy hỏi hay không hỏi cũng không ảnh hưởng gì. Một số trường mình có hỏi và một số trường mình không hỏi. Mình thường chỉ hỏi những câu hỏi này cuối cùng khi mà thời gian vẫn còn mà câu hỏi thì bắt đầu cạn.

Một số vấn đề khác: Một vấn đề quan trọng là trang phục. Mặc dù phỏng vấn qua skype nhưng mình vẫn ăn mặc chỉnh tề. (Nhiều hôm trên com lê dưới quần bò :).) Khi ăn mặc chỉnh tề thì mình sẽ không phải lo về vấn đề hội đồng sẽ đánh giá bề ngoài thế nào. Kinh nghiêm của mình cho thấy nhiều hội đồng thành viên ăn mặc rất giản dị, nhưng cũng có những hội đồng thành viên ăn mặc rất chỉnh tề. Do đó, ăn mặc chỉnh tề sẽ an toàn hơn (mà cũng không khó khăn gì cả).

Vấn đề nữa là internet và lựa chọn địa điểm đế phỏng vấn. Phỏng vấn qua skype cần phải có kết nối internet ổn định, và bạn cũng nên chọn địa điểm phỏng vấn yên tĩnh, tránh nhiều trong quá trình phỏng vấn. Thường mình phỏng vấn ở văn phòng vì kết nối internet ở văn phòng ổn định và đó cũng là vị trí yên tĩnh nhất. Lưu ý nữa là nên thực hiện phỏng vấn trên máy tính có camera.

Bài tiếp theo mình nói về phỏng vấn on-campus.

Facebook Comments

Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *