Tôi học đại học

Thời gian học đại học là thời gian mình học được nhiều thứ khác bên cạnh toán. Đây là giai đoạn mà bản thân học được cách tự lập, cũng như quen biết được những người bạn đã làm thay đổi cuộc đời.

math-humor
Ảnh chỉnh sửa từ đây

Học đại cương

Không phải nói các bạn cũng biết học đại học có rất nhiều sự khác biệt so với học cấp 3. Sự khác biệt lớn nhất chính là dung lượng, độ sâu và độ rộng kiến thức ở bậc đại học lớn hơn rất nhiều lần. Cách học hồi cấp 3 của mình cũng không còn phù hợp nữa. Mình khá chật vật với các môn học đã từng là thế mạnh như đại số và giải tích.

Xin nói qua một chút về chương trình năm thứ nhất đại học của mình. Năm đầu tiên chủ yếu là các môn học đại cương: đại số, giải tích, xác suất thống kê, phương pháp tính, hóa, vật lý. Tất cả các môn này đều rất "nặng", theo nghĩa rất nhiều kiến thức mới lạ. Đại số thì có nhóm, vành, trường, không gian vector. Giải tích I thì có không gian metric, tổng Đát bu (Darboux integral), khai triển Taylor, dãy số. Giải tích II thì có tích phần đường, tích phân mặt. Giải tích III thì có phương trình vi phân và phương trình đạo hàm riêng. Lý thì có nhiệt động học, hóa thì có entropy. Do quá nhiều thứ mới mà thời gian tiếp thu, theo năng lực của mình, là không nhiều nên mình không thực sự cảm nhận được cái hay/ cái đẹp của những kiến thức đó. Để đối phó, mình học theo phương pháp nhồi nhét. Đến lúc thi thì đi mua bộ đề/lời giải của các kì thi năm trước để ôn tập trước khi thi. Các bạn học BK thì chắc quen với kiểu này. Kết quả thi của mình cũng chỉ đủ để qua môn. Đại số thi được tầm 7/10 hay sao đó, còn giải tích thì khoảng 6/10.

Hầu hết cảm nhận của sinh viên năm thứ nhất như mình là các môn học này chả liên quan gì đến chuyên ngành cả. Do đó, gần như mình không có cảm giác thích thú với các môn đại cương. Tất nhiên hệ quả là kiến thức đại cương của mình khá chắp vá. Mãi vài năm sau này khi học/nghiên cứu thực sự nghiêm túc mình mới thấy các kiến thức đại cương, đặc biệt môn toán, là rất cần thiết. Mình mất khá nhiều thời gian sau này để bù lại những thiếu hụt đó. Bản thân mình nghe câu "các môn đại cương là rất quan trọng" nhiều lần rồi, nhưng chưa bao giờ thấm được, cho đến tận bây giờ thì muộn rồi.

Nếu nó về sở thích thì từ khi học đại học, mình đặc biệt thích môn tiếng Anh. Có nhiều lí do tại sao mình lại thích môn này, mà một trong số đó là phong trào học tiếng Anh của các bạn cùng lớp hồi đó khá cao. Ngay sau kì đầu tiên của năm thứ nhất đại học, có đến gần một nửa lớp của mình đã đi du học. Sau hai năm thì có lẽ quá nửa đi du học; mình là một trong số ít học cho đến hết năm cuối. Du học đối với mình thời học cấp 3 là không tưởng và xa vời. Thấy nhiều bạn trọng lớp lần lượt đi hết người này rồi người khác, mình cũng có cảm hứng đi theo. Đương nhiên yêu cầu đầu tiên là tiếng Anh.

Học tiếng Anh

Nền tảng thì tiếng Anh của mình khi bắt đầu vào đại học, chắc cũng giống nhiều bạn ở đây, thực sự kém. Thi tốt nghiệp cấp 3 hình như được 5 hay 6 điểm gì đó. Khi vào đại học thì được xếp vào lớp tiếng Anh A2, dạng cho người mới bắt đầu. Mục tiêu mình đặt ra cho 5 năm học tiếng Anh của mình là thi TOEFL iBT và GRE.

Trước hết, mình nói về một số con số liên quan đến học tiếng Anh của mình. Mình dành khá nhiều thời gian ra học tiếng Anh, nhiều hơn thời gian danh cho tất cả các môn học khác cộng lại. Mình không biết một ngày trung bình học bao nhiêu tiếng, nhưng nếu phải ước lượng một con số thì mình sẽ cho là khoảng 3 tiếng. Có ngày học đến 8-9 tiếng nhưng cũng có ngày không học chữ nào cả. Mình duy trì thói quen học tiếng Anh liên tục trong khoảng 5 năm. Đến năm thứ 5 thi TOEFL được 97/120 điểm, còn GRE (thi 2 lần) lần 2 được 322/340 điểm. Mình sẽ nói cụ thể về các điểm số này sau, nhưng so với thời gian mình bỏ ra thì các con số này mình cho là thấp. Hay nói cách khác, mình cho rằng cách học của mình là thực sự không hiệu quả. Nếu được quay lại thời gian thì có lẽ mình đã chọn phương pháp khác. Nhân đây cũng xin giải thích luôn tại sao một số bạn hỏi kinh nghiêm học tiếng Anh mà mình không trả lời. Đó là do bản thân mình cũng không có phương pháp học hiệu quả.

Mình xin nói chi tiết hơn về cách học (không mấy hiệu quả) của mình. Cách học tiếng Anh của mình bị ảnh hưởng nhiều bởi cách học toán hồi cấp 3: tự học là chính và đọc nhiều sách tham khảo. Đầu tiên mình tập trung chủ yếu vào từ vựng (vocabulary). Từ vựng của mình rất kém. Những cuốn sách đầu tiên mình học là tạp chí song ngữ Sunflower. Mình thích những câu chuyện có trong tạp chí này. Thêm nữa, mình cảm thấy học các từ mới sẽ dễ hơn nếu có ngữ cảnh sử dụng. Mình dành toàn bộ kì học đầu tiên để đọc tạp chí này. Mỗi khi đọc một bài trong tạp chí, mình đều ghi các từ mới, cách phát âm và nghĩa của từ đó ra vở. Ngày hôm sau mở vở ra ôn lại, đến khi cảm thấy nhớ được mặt chữ thì đọc lại bài đó một lần nữa. Lúc đó mình hiểu hơn ngữ cảnh sử dụng của từ đó. Mình còn nhớ cuốn tạp chí Sunflower đầu tiên mình đọc chi chít từ mới. Gần như đọc câu nào cũng gặp từ mới. Các cuốn về sau thì ít từ mới hơn. Ngoài Sunflower, đôi khi mình cũng đọc thêm một số cuốn song ngữ khác như truyện cười song ngữ Anh-Việt.

Kì sau đó thì mình học thêm về ngữ pháp và nghe. Mình có đọc 2-3 cuốn gì đó, nhưng theo mình, cuốn hay nhất là "English Grammar In Use" của Raymond Murphy. Cuốn này mình xem đi, xem lại nhiều lần và làm gần như hết bài tập trong đó. Học nghe thì mình học trong cuốn "Building Skills for the TOEFL iBT, Beginning". Cuốn này học nghe rất hay. Các đoạn hội thoại ngắn, cũng như người nói rất rõ ràng (nghe trên máy tính). Mình dành thời gian rất nhiều để học theo cuốn này.

Nhân đây cũng xin nói thêm một chút về học tiếng Anh ở trường. Ở trường mình cũng được học môn tiếng Anh nhưng thực sự mình chưa bao giờ học trên lớp cả. Cái băng Cassette rất rè và nhiễu (và không thực tế vì thi TOEFL iBT là thi trên máy tính). Cứ mỗi lần đến giờ học tiếng Anh là mình lại chọn ngồi cuối cùng, góc khuất nhất để tranh thủ ngủ. Cô giáo dạy mình hồi đó trẻ và khá hiền. Mình vẫn nhớ ngày cuối cùng của buổi học cô nói với mình đại khái là "liệu Hùng có thể thức học buổi cuối cùng không?". Cũng vì thế mà sau này gặp lại cô vẫn nhớ đến mình vì cái tật ngủ trên lớp. Lời khuyên cho các bạn: đừng như mình vì đây là hành động vô ý thức.

Năm thứ 2 mình vẫn tự học tiếng Anh, mua thêm sách tham khảo, trau dồi thêm kiến thức từ vựng, ngữ pháp và học nghe (nhưng chưa học viết và nói). Mình học nghe thêm trong cuốn "Developing Skills for the TOEFL iBT, intermediate". Năm thứ 2 mình cảm thấy bản thân học không hiệu quả, cảm giác như có một bức tường chắn về trình độ mà cả năm đó mình không vượt qua nổi. Mỗi lần tự đánh giá mình đều cảm thấy không có tiến bộ mấy, mặc dù thời gian mình dành ra cho việc học tiếng Anh không những không ít hơn năm trước, mà có khi còn nhiều hơn. Số lượng từ vựng học không lên nhiều. Kĩ năng nghe cũng không tiến bộ. Cụ thể, mình vẫn không nắm được nội dung của các bài nghe dài, mặc dù kĩ năng phát hiện từ khóa trong câu khi nghe có cái thiện thêm.

Tóm lại, hai năm đầu tiên mình dành để tự học, cải thiện những kĩ năng cơ bản như từ vựng và nghe. Theo mình thì những kĩ năng này chỉ cần bỏ thời gian để thực hành nhiều, chứ cũng không cần học thêm ở đâu cả. (Hai năm đại học đầu tiên mình cũng không học thêm ở đâu.)

Đến năm thứ 3 mình tập trung hơn vào kĩ năng viết. Hồi đó có theo bạn bè đi học dịch Việt-Anh, lớp thấy Ngô Xuân Nghiêm, ở tòa nhà 54 Láng Hạ. (Không biết thấy Nghiêm giờ còn dạy không.) Mình theo học ở đó cũng khá lâu, khoảng 2.5 năm. Lau đến mức vợ thầy, người thu tiền học phí, cũng thuộc cả tên và mặt. Có nhiều lí do mà mình theo lớp dịch lâu như vậy. Tất nhiên lí do đầu tiên là trình độ dịch của thầy Nghiêm, theo cảm nhận của mình, là cao. Cách dịch biến câu, đổi ý của thầy mình rất thích. Mặc dù học lâu như vậy, nhưng mình cũng chỉ học được một phần nhỏ cách biến câu đổi ý của thầy. Lý do thứ hai, cũng là điểm khác biệt của thấy với những chỗ khác, là thầy luôn cài những kiến thức kinh tế/chính trị vào trong mỗi bài dịch. Về điểm này thì cho đến bây giờ mình vẫn thấy biết ơn thầy. Lý do thứ 3 là học phí quả rẻ so với chất lượng của lớp học: mỗi buổi học khoảng 15-20 ngàn. Học phí rẻ như vậy hoàn toàn phù hợp với sinh viên có hoàn cảnh như mình. Cho đến hết năm thứ 5 thì đây là lớp học thêm tiếng Anh duy nhất mà mình theo.

Ngoại trừ kĩ năng nói, các kĩ năng nghe, đọc mình vẫn ôn tập thường xuyên. Mình luyện trong khá nhiều cuốn: sách của Longman, sách của Barron, cuốn Mastering skills for the TOEFL iBT bản advanced, các bộ đề thi TOEFL v.v.. Mình cũng không nhớ là bao nhiêu cuốn, nhưng theo mình nhớ thì khá là nhiều. Ngoài ra, mình cò đọc thêm News bằng tiếng Anh, như các bài viết trên NYTimes, VOA, BBC. News trên VOA và BBC không khó đọc, nhưng News trên NYTimes thì ngược lại, rất khó đọc. Ngữ pháp cũng như cách dùng từ trên NYTimes mang tính khoa học rất cao. Cho đến thời điểm đang viết bài này thì mình cũng không chắc là mình đọc hiểu được những bài trên NYTimes.

Trong suốt 5 năm, một kĩ năng mình bỏ sót là kĩ năng nói (speaking). Do không đi học thêm, nên mình không có điều kiện luyện kĩ năng này. Bản thân là một người rụt rè, ít nói chuyện với người lạ nên mình cũng không áp dụng được phương pháp "đi dạo bờ hồ tìm Tây để nói chuyện". Và sự thiếu hụt này thể hiện ngay ở điểm số. Mình thi TOEFL iBT khoảng cuối năm 2012, tổng điểm là 97 trong đó Listening 24/30, Reading 27/30, Writing 29/30 và Speaking 17/30. Sau này khi mình đi apply sau đại học ở Mỹ, điểm Speaking của mình dưới chuẩn khá nhiều trường. Tuy nhiên, tổng điểm vẫn ở mức khá nên không phải thi lại.

May mắn là GRE không có thi speaking mà chỉ có thi Reading và Toán (họ gọi là Verbal và Quantitative Reasoning). Phần Writing của GRE, tuy là rất khó, nhưng đối với ngành tự nhiên như mình thì cũng chỉ là thi lấy lệ, và điểm Writing không tính vào tổng điểm GRE. Mình tự cho rằng vốn từ vựng của mình cũng kha khá, nhưng gặp phải bài đọc của GRE thì cũng "tắt điện". Từ mới nhiều, khó và lạ. Lần thi GRE đầu tiên (thi giấy tại Hà Nội), mình gần như chọn đáp án một cách ngẫu nhiên, và đương nhiên tổng điểm cũng rất thấp (305/340). Sau đó vài tháng thi lại ở Sài Gòn (lần này thi máy tính), mình mới kéo đểm Verbal lên được 152/170, và tổng điểm là 322/340.

Đọc bài tiếp ở đây.

Facebook Comments
  1. Thân Việt Cường’s avatar

    Hay quá anh ạ, em cũng học lớp KSTN - CNTT, năm sau là năm cuối và cũng muốn nghe chia sẻ của anh

    Reply

    1. Hung Le’s avatar

      Có lẽ bạn sẽ tìm thấy một số thông tin bạn cần trong các post sau.

      Hùng

      Reply

Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *